Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và thực hiện nghiêm minh những đức tính cần kiệm liêm chính. Người xem đây là nguyên tắc, là phẩm chất cơ bản có liên quan mật thiết với các nhiệm vụ và công tác hoạt động cách mạng khác nhau và thiếu chúng thì khó dẫn đến thành công một cách trọn vẹn, triệt để.
Trong bài viết “Cần, kiệm, liêm, chính” đăng trên báo Cứu Quốc số ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 năm 1949, ngay ở phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết những vấn đề trên trong tương quan với các quy luật của tự nhiên và xã hội bằng 6 câu thơ như sau:
“Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông,
“Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông,
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Qua đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao 4 đức tính trên như điều kiện cần đối với mỗi người trong đời sống và hoạt động xã hội. Nếu là người tham gia hoạt động cách mạng trực tiếp, 4 đức tính ấy lại càng phải quán triệt và hành động triệt để hơn, có hiệu quả hơn, nghiêm minh hơn.
Nội dung của 4 đức tính trên thật giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc. Theo Bác, Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, bền bỉ trong công việc cụ thể của mình. Cần phải gắn với kế hoạch, nếu không thì mọi việc sẽ rối tung, kém hiệu quả. Cần phải đi với chuyên, cần cù mà dốt nát thì hiệu quả thấp, có khi trở thành phá hoại. Điều này đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhận thức và thực tiễn. Về nội dung chữ Kiệm, Bác viết: Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi. Lãng phí là kẻ thù của tiết kiệm. Hiện tại, không ít người lãng phí và lợi dụng của công để làm việc riêng, thiếu tinh thần chí công vô tư. Đó là điều đáng trách, nếu không muốn nói là nhỏ nhen, tầm thường, dẫn đến tham ô, lãng phí. Liêm, theo Bác, đó là trong sạch, không tham lam. Chữ Liêm, theo Bác, còn phải hiểu theo nghĩa rộng là trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân. Có như thế, thì không bao giờ vụ lợi. Tất cả vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Chữ Liêm theo tinh thần, đạo đức của người cách mạng cao cả là thế!
Nội dung của Chính, theo Bác là “không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không đúng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. Hiểu rộng ra là phải làm theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; không làm sai, không vì lợi ích cá nhân để ngày càng phát huy điều chính, giảm và tiêu diệt điều tà.
Quan niệm về nội dung của cần, kiệm, liêm, chính của Bác Hồ thật rõ ràng, giản dị mà sâu sắc, có giá trị lớn trong việc vận dụng vào học tập, rèn luyện một cách sáng tạo, cụ thể của từng người, từng cơ quan, đoàn thể trong từng hoàn cảnh khác nhau. Những nội dung trên đã thành phẩm chất cơ bản trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Bác luôn xem 4 đức tính trên là “chính sách lớn, đạo đức lớn”. Từng cá nhân, cơ quan, tập thể, từng ngành nghề căn cứ vào từng nhiệm vụ, từng giai đoạn, từng yêu cầu mà phải hiểu đúng và có sáng tạo 4 đức tính ấy một cách linh hoạt, đa dạng, tránh cứng nhắc. Bác thường nhấn mạnh và đề cao 4 loại tiết kiệm: đó là tiết kiệm tiền, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, tiết kiệm thời giờ. Một yêu cầu sinh tử của Bác là kiệm phải đi liền với cần “như hai chân của con người”. Cần không phải chỉ thuần tuý là cần cù làm việc mà quan trọng hơn là phải có chất lượng, có hiệu quả, có năng suất cao. Cả cuộc đời của Bác Hồ là tấm gương sáng cho những đức tính cao đẹp nói trên. Mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ và hiệu quả công việc cách mạng của Bác là một bài học cụ thể, sinh động của 4 đức tính cần, kiệm, liêm, chính mà không giấy mực nào ghi lại hết được.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, chúng ta phải hiểu bản chất và nội dung cụ thể của cuộc vận động lớn này. Nếu không, dễ rơi vào hình thức chủ nghĩa, phản tác dụng. Mà muốn hiểu và làm đúng, thì chỉ soi vào từng ý kiến, từng bài viết và từng việc làm của Bác sẽ liên hệ thấy rõ mình làm đến đâu, hiểu đến mức nào và làm sai, vi phạm đến mức nào. Có như thế, cuộc vận động mới đi vào chiều sâu, đúng bản chất. Những hiện tượng tiêu cực, sai phạm của các cơ quan, cá nhân mà hàng ngày báo chí nêu là có thật, là tiếng chuông báo động về tình trạng xuống cấp đạo đức, có nguy cơ suy đồi, băng hoại về nhân cách trong xã hội hiện nay. Đảng và Nhà nước ta nhận thấy và dự cảm được điều này nên đã kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp, chính sách lớn trong việc chống tham ô, lãng phí, chống tiêu cực – đặc biệt là trong cán bộ có chức, có quyền. Đó là động thái đúng đắn và tích cực nhằm thanh lọc và giáo dục, xử phạt nghiêm minh để đưa xã hội tiến lên, đem lại lòng tin cho mọi người đối với một xã hội tốt đẹp, công bằng, dân chủ và văn minh. Muốn vậy, phải hướng vào những mục tiêu vừa diện, vừa điểm; vừa trước mắt, vừa lâu dài; vừa vĩ mô, vừa vi mô… mới mong đạt được hiệu quả thiết thực và triệt để. Trong muôn vàn bài học đạo đức của Hồ Chí Minh, bài học về cần, kiệm, liêm, chính có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta hiện nay.
Để kết luận cho bài viết sơ lược này, xin dẫn ý kiến của một sử gia người Mỹ – bà Stenson – nhận định về Hồ Chí Minh: “Một số đông người đã bị tha hoá chạy theo đời sống vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống thì nhân loại lại tìm về tấm gương sáng ngời nhân cách Hồ Chí Minh – một tấm gương cho mọi thế hệ tiếp theo”. Đó chính là nền tảng, là đạo đức thuộc về thì quá khứ, hiện tại và tương lai – Đạo đức Hồ Chí Minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.